Giới kinh doanh ôtô dự báo, dù các hãng có đưa ra nhiều chương trình khuyến mại, sản lượng bán hàng ôtô trong nước nhờ đó mà hồi phục thì cũng không đáng kể và gần như chắc chắn sẽ tiếp tục ở mức thấp.
Lệ phí cấp biển tăng gấp 10 lần, thuế trước bạ tăng lên mức 20%, phí trông giữ xe cao. Những lí do đó đẩy chi phí mua và “nuôi” một chiếc xe lên quá cao. Người dân tạm dừng kế hoạch mua xe, thị trường ôtô ảm đạm chưa từng thấy.
Xe ế vì tiền cạn, thuế cao
Có 2 nguyên nhân lớn dẫn đến sự sụt giảm thê thảm của thị trường ôtô trong nước tháng vừa qua. Thứ nhất là trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, tín dụng được thắt chặt và doanh nghiệp, người dân đã “ngấm đòn” khủng hoảng kinh tế, toàn bộ các hoạt động chi tiêu đều được siết lại, đặc biệt là với một mặt hàng có giá trị lớn và được coi là xa xỉ như ôtô.
Thứ hai là từ năm nay, nhiều chính sách hạn chế tiêu dùng ôtô đã bắt đầu có hiệu lực hoặc thực sự phát huy sức tác động. Trong đó, đáng kể nhất là quyết định tăng lệ phí trước bạ lên 20% tại Hà Nội (+8%) và 15% tại TP.HCM (+5%).
Thuế trước bạ tăng cũng có những tác động lớn đến thị trường xe
Cùng với đó là một số loại phí và lệ phí khác như đăng ký biển số, trông giữ hay ôtô đi vào nội thành... khiến số tiền mà mỗi người sử dụng xe phải chi tăng lên đáng kể.
Khi các yếu tố này cộng lại với nhau, sức mua ôtô sụt giảm mạnh là khó tránh khỏi. Giới kinh doanh ôtô dự báo, dù các tháng tới đây sản lượng bán hàng ôtô trong nước có hồi phục thì cũng không đáng kể và gần như chắc chắn sẽ tiếp tục ở mức thấp.
Thực tế này cũng cho thấy, việc tăng kịch trần phí trước bạ và phí đăng ký, cấp biển số xe đối với các dòng xe chở người dưới 9 chỗ có hiệu lực từ ngày 1/1/2012 đã ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của các liên doanh ôtô. Đại diện nhiều hãng sản xuất kinh doanh ôtô đều cho rằng sức mua ôtô sụt giảm mạnh là khó tránh khỏi. Sự khó khăn của thị trường này sẽ còn kéo dài vài tháng nữa.
Doanh nghiệp nhập khẩu: Càng làm, càng lỗ
Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu “chết” sau Thông tư 20. Những đơn vị còn tồn tại tình hình kinh doanh cũng không mấy khả quan.
Đại diện một nhà nhập khẩu cho hay, trong hai tháng đầu năm 2012, công ty chỉ bán được 3-4 chiếc xe cũ nhập khẩu. Tiền lãi thu về chỉ gần đủ chi phí nhân viên, dù đã giảm quân số tới 1/3. Thị trường đóng băng nên doanh nghiệp không dám nhập xe giá cao vì sợ ế, lỗ.
Vị đại diện này cho biết thêm: “Trước kia, một xe Kia đời 2010 chúng tôi bán 18.000- 18.500 USD, giờ thuế và phí cao như thế này thì khách trả 17.600 - 17.800 USD cũng bán. Mỗi xe như vậy phải giảm 600 - 700 USD dù không có lãi, nhưng vẫn không có người mua”.
Các doanh nghiệp nhập khẩu xe càng làm càng lỗ
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, người dân gần đây cần tiền và không muốn mất thêm quá nhiều chi phí để nuôi xe, đi làm không có chỗ đỗ, nên rất nhiều người quay ra rao bán xe. Giá nhiều loại xe cũ hiện được rao bán rẻ hơn cả các xe lướt nhập khẩu từ 500 - 600 USD /chiếc nên hầu hết xe ở các showroom trên địa bàn Hà Nội đều rơi vào tình trạng đắp chiếu.
Rất nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ôtô đã dừng hoạt động hoặc phải trả showroom, thuê bãi trông xe ở ngoài và chuyển sang bán xe qua mạng để tiết kiệm chi phí.
Một số doanh nghiệp khác chuyển sang bán xe ở các tỉnh. Lí do là ở tỉnh lẻ mức phí trước bạ vẫn ở mức 12% và không phải chịu 20 triệu đồng tiền biển số. Tuy nhiên, sức tiêu thụ không cao, bán rất khó khăn.
Ôtô trong nước cũng gặp khó
Doanh số bán hàng của các hãng xe nội cũng giảm mạnh. Theo báo cáo do Hiệp hội các Nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cung cấp, tổng sản lượng bán hàng của 17 hãng xe thành viên tháng đầu năm nay đã giảm đến 61% so với tháng liền trước và 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Bức tranh u ám được vẽ ra với toàn bộ 17/17 hãng xe thành viên bị sụt giảm sản lượng bán hàng khi xếp cạnh tháng 12/2011. Trong đó, 15/17 hãng xe giảm đến quá nửa.
Nhận thấy được những khó khăn, các nhà sản xuất, lắp ráp và phân phối trong nước bắt đầu thực hiện nhiều chương trình kích cầu, tung ra các chương trình khuyến mại hấp dẫn nhằm thu hút khách hàng nhưng vẫn khó xoay chuyển được tình thế.
Các showroom vắng khách
Ford áp dụng chương trình khuyến mại (trong tháng 2 và tháng 3/2012) dành cho 6 mẫu xe như Focus, Everest, Escape, Transit, Mondeo… với mức hỗ trợ từ 18,5 đến 53 triệu đồng (tùy từng mẫu xe).
Thaco Kia cũng đưa ra chương trình quà tặng (được áp dụng trong tháng 2) có trị giá 15 triệu đồng, đồng thời, hỗ trợ khách hàng dán phim cách nhiệt.
Toyota áp dụng chương trình khuyến mại đối với khách hàng mua xe Fortuner TRD Sportivo trong thời gian từ 15/02/2012 đến 14/03/2012. Theo đó, khách hàng sẽ được miễn phí bảo hiểm và tặng bộ phụ kiện theo xe (bao gồm Mâm xe thể thao mới, Ốp bậc lên xuống cản sau, Ốp bậc cửa mạ crôm, Khay để hành lý).
Doanh số của các thành viên VAMA bị sụt giảm đáng kể
Mercedes-Benz có thể nói là hãng xe đang có khuyến mãi hấp dẫn nhất với việc áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi song song. Ngoài các hỗ trợ về lãi suất và thủ tục ngân hàng, hãng này còn công bố giảm giá 2% cho khách hàng mua các mẫu xe C200BE, C300AMG, E200BE, giảm 4% cho các mẫu E250BE, E300 và giảm 5% (hơn 40 triệu đồng) cho mẫu GLK300.
Vẫn còn hy vọng
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, nhu cầu thị trường vẫn có, nền kinh tế tuy còn khó khăn nhưng vẫn có sự tăng trưởng nhất định, vì vậy thị trường ô tô sẽ khởi sắc. Thêm vào đó, một thời gian nữa, người tiêu dùng sẽ quen và phải chấp nhận với mức phí tăng, khi đó sẽ xem xét mua xe cho nhu cầu thực tế của mình, nên có thể thấy những dấu hiệu phục hồi vào những tháng cuối năm 2012, dù mức tăng có thể không cao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét